Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí MinhTọa lạc trên ngọn núi linh thiêng có tên gọi Tếch Chấy, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những công trình quan trọng trong dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Pác Bó. Đền thờ được khánh thành ngày 19/5/2011. Toàn bộ công trình bao gồm Đền thờ và khuôn viên cây xanh được xây dựng với tổng diện tích trên 5.000 m2, thuộc khu vực trung tâm Khu di tích lịch sử Pác Bó.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh Đền quay về hướng Nam, phía Bắc Đền tựa lưng vào núi rừng Pác Bó - nơi có dòng suối Lê Nin trong xanh, hiền hòa ngày đêm tuôn chảy từ dưới chân núi Các Mác hùng vĩ. Kiến trúc của Đền thờ được cách điệu từ ngôi nhà sàn duyên dáng của người dân tộc Cao Bằng; giản dị, thoáng mát, chan hòa với thiên nhiên mà vẫn toát lên vẻ trang nghiêm tôn kính.
Đền thờ là nơi thể hiện công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của dân tộc ta với Người, đồng thời cũng là nơi dâng hương về nguồn, báo công của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước.
Di tích Quốc gia đặc biệt Pác BóKhu di tích Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc, đây là nơi có núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, là điểm đầu (km 0) của đường Hồ Chí Minh.
Pác Bó theo tiếng Tày - Nùng ở Cao Bằng có nghĩa là “đầu nguồn”. Pác Bó cũng là đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Nơi đây đã vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách Mạng sau ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Đây cũng là nơi đã gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1941 – 1945.
Với những giá trị đặc biệt, ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa và khoa học của Khu di tích lịch sử Pác Bó, từ năm 1970, Khu di tích đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo tồn, tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng và mở cửa đón khách tham quan. Khu di tích được xếp hạng là Di tích Quốc gia tại Quyết định số 97/QĐ - VH ngày 21/02/1975 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Năm 2007, đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1146/QĐ - TTg, ngày 29/8/2007. Từ đó đến nay, Khu di tích Pác Bó không ngừng được bảo tồn, tôn tạo và đầu tư nâng cấp.
Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 548/QĐ - TTg về việc xếp hạng Khu di tích lịch sử Pác Bó là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cho tỉnh Cao Bằng phải tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích.
Ngày nay, Pác Bó đã trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa vô giá, không chỉ của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng mà còn là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu người Việt Nam.
Cột mốc 108 “Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ...
Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi!”
Thơ: Tố Hữu
Cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc số 108 Ngày 28 tháng 01 năm 1941 (tức mùng 02 tết Tân Tỵ), sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước, qua cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc số 108 thuộc Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Cùng đi với Bác về nước lúc bấy giờ có các đồng chí: Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc và Đào Thế An.
Pác Bó hùng vi
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê Nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Nguyễn Ái Quốc - 02/1941
Tức cảnh Pác Bó
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Nguyễn Ái Quốc - 02/1941
Hang Cốc Bó Suối Lê Nin
“Hang lạnh nhớ tay người đốt củi
Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu
Ai hay ngọn lửa trong hang núi
Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau.”
Thơ: Tố Hữu
"Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"
Trong những ngày đầu về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí cán bộ Cách Mạng đã ở và làm việc tại nhà ông Lý Quốc Súng (Thường gọi là ông Máy Lỳ - Máy Lỳ là tên con gái đầu lòng), một cơ sở cách mạng tin cậy. Đây cũng là nơi Người đã dự bữa cơm tết cổ truyền dân tộc đầu tiên sau 30 năm xa Tổ quốc (mùng 02 tết năm Tân Tỵ).
Ngày 08/02/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ nhà ông Lý Quốc Súng vào hang Cốc Bó, và cái hang đá nhỏ nơi biên cương của Tổ quốc đã đi vào lịch sử từ ngày đó. Cũng từ đây, núi rừng Pác Bó và cả dân tộc Việt Nam đã có Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Trong thời gian hoạt động tại Pác Bó, hàng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuống bờ suối Lê Nin làm việc, bên chiếc bàn được kê bằng đá tự nhiên. Tại đây Người đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng Sản Liên Xô ra tiếng Việt, chuẩn bị nội dung cho hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII và viết nhiều tài liệu, thơ ca để tuyên truyền Cách Mạng…
Lán Khuổi Nặm“Ngày hội lớn. Trung ương quanh BácLán tre vừa lợp, ấm tình thươngLịch sử hôm nay, đầu ngọn thácGọi toàn dân cứu nước, lên đường.” Thơ: Tố Hữu Lán Khuổi Nặm
Lán Khuổi Nặm là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 3/1941 đến tháng 5/1945.
Tại đây, từ ngày 10/5 đến ngày 19/5/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, đây là hội nghị có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của đất nước. Hội nghị đã đề ra nhiều nội dung quan trọng như: Giải phóng dân tộc, đoàn kết dân tộc, xây dựng lực lượng vũ trang… Đặc biệt là quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) vào ngày 19/5/1941.
Từ Pác Bó tới Ba ĐìnhNgày 04/5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pác Bó, về Tân Trào - Tuyên Quang và triệu tập Quốc dân Đại hội, chỉ đạo Tổng khởi nghĩa kháng chiến trên toàn quốc.
Tháng 8/1945, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại thành công, cả đất nước rợp cờ và hoa.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thăm lại Pác Bó“Hai mươi năm trước ở hang nàyĐảng vạch con đường đánh Nhật-TâyLãnh đạo toàn dân ra chiến đấuNon sông gấm vóc có ngày nay”Hồ Chí Minh - 20/02/1961 Ngày 20/02/1961, sau 20 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm Khu di tích lịch sử Pác Bó.